1. Giai đoạn từ năm 1975 đến năm 1985:
Với khí thế của một nhà trường mới dưới chính quyền cách mạng, hơn 90 cán bộ, giáo viên, công nhân viên (trong đó có 20 cán bộ từ miền Bắc và Trung ương Cục miền Nam (Cục R) tăng cường và 74 giáo viên, công nhân viên tại chỗ được lưu dụng), hơn 840 học sinh trung cấp chuyên nghiệp và dự bị trung học chính thức bước vào năm học đầu tiên (năm học 1976 - 1977). Tuy nhiên, do cơ sở nhà trường ở Bình Dương quá chật hẹp, nên tháng 9 năm 1978, Trường chuyển về đóng chân tại xã Trảng Bom, huyện Thông Nhất, tỉnh Đồng Nai (nay là Thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom. tỉnh Đồng Nai) trên một diện tích 24 ha. Lại phải xây dựng lại từ đầu! trên một mảnh đất đầy bom đạn và cỏ dại.
Giai đoạn này nhà trường thực hiện đào tạo cán bộ trung cấp lâm nghiệp theo kế hoạch nhà nước với các chuyên ngành: Kỹ thuật lâm nghiệp, Kế toán, Thống kê. Kế hoạch, Lao động tiền lương. Học sinh ra trường do Bộ Lâm nghiệp (cũ) phân bổ về các tỉnh, công ty, lên hiệp các xí nghiệp và các lâm trường trong khu vực tuyển sinh của trường. Chất lượng đào tạo được các đơn vị sử dụng chấp nhận.
Đây được xem là giai đoạn khó khăn nhất của nhà trường: Thầy và trò phải lên rừng đốn gỗ, tre nứa và cắt tranh để tự xây dựng láng trại làm lớp học, văn phòng, chất đốt cho bếp ăn... Thiếu lương thực, nhà trường tự tổ chức các đoàn đi tăng gia sản xuất ở đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Đông. Mãi đến những năm đầu của thập kỷ 80, một số nhà cấp 4 mới được xây dựng.
Mặc dù CSVC còn quá thiếu thốn, đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ nghiệp vụ kinh tế còn thiếu nhiều, đời sống khó khăn, nhưng nhà trường đã vượt qua bao nhiêu gian nan, vất vả của những ngày đầu thành lập trường, đã vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
2. Giai đoạn từ năm 1986 đến năm 2000:
Trong những năm đầu thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo, trường đã gặp không ít những khó khăn, thử thách. Lúc này, lâm nghiệp là một trong những ngành học không mấy hấp dẫn học sinh. Có những năm từ 1991 đến 1994 nhà trường tuyển sinh không đủ chỉ tiêu. Trong khi một số trường khối nông lâm trong khu vực đã bị giải thể hoặc co cụm lại, thì nhà trường vẫn trụ vững, đó là nhờ:
Trường tích cực thực hiện đổi mới mục tiêu, chương trình và quy trình đào tạo cho hù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực trong cơ chế thị trường;
Đổi mới cách tuyển sinh, như chủ động vươn tới các địa bàn vùng sâu, vùng xa theo 'phương châm "đào tạo kỹ thuật viên lâm nông gắn với đào tạo cán bộ cho miền núi", tạo nguồn tuyển sinh bằng cách liên kết với các trường dân tộc nội trú, V. V...
Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, liên kết đào tạo. Bên cạnh hệ chính quy học tại trường, nhà trường còn tổ chức "đào tạo theo địa chỉ", như liên kết với sở Lâm nghiệp các tỉnh, các Liên hiệp Lâm - Công - Nông nghiệp của Bộ để mở lớp.
Từ các chuyên ngành sâu, nhà trường đã xây dựng lại mục tiêu đào tạo theo hướng tổng hợp và mở thêm các chuyên ngành mới. Ngành kỹ thuật lâm nghiệp trước đây đổi hành ngành Lâm sinh tổng hợp. Còn 4 chuyên ngành Kế toán, Kế hoạch, Thống kê, Tiền lương trước đây thành ngành Hạch toán kế toán. Mở thêm các ngành mới là: Kiểm lâm, Khuyến nông lâm, Trồng trọt - Bảo vệ thực vật. Trường còn liên kết với trường bạn mở chuyên ngành Chăn nuôi - Thú y.
Nhà trường thực hiện tốt phương châm giáo dục "Học đi đôi với hành, lý thuyết kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội". Giai đọan này, nhà trường tích cực tham gia trồng cây gây rừng cho các địa phương và nhiều năm quy mô trồng rừng lên lến trên 200 ha/năm (tương đương với quy mô trồng rừng của một lâm trường cỡ trung bình).Với những thành tích đạt được trong giai đoạn đổi mới giáo dục, đào tạo, nhà trường được tặng Cờ thi đua luân lưu của Hội đồng Bộ trưởng (1987) và Huân chương Lao động hạng Ba năm 1996.
3. Giai đoạn từ năm 2001 đến năm 2008:
Thực hiện Điều lệ trường trung học chuyên nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 24/2000/QĐ-GD&ĐT ngày 17/7/2000, thực hiện Nghị quyết số 16/1998/NQ-CP của Chính phủ về việc sắp xếp tổ chức và tinh giảm biên chế các cơ quan hành chính sự nghiệp, nhà trường sắp xếp lại cơ cấu bộ máy tổ chức và tổ chức đào tạo theo khoa chuyên môn. Giai đoạn này, nhà trường tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo; mở rộng ngành nghề và liên kết đào tạo với các Chi cục Kiểm lâm, các huyện. Điểm nổi bật trong giai đoạn này là nhà trường quản lý và tổ chức giảng dạy theo chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nông nghiệp và PTNT và thực hiện bước đầu sự tự chủ của nhà trường theo các Nghị định 10/2002 và Nghị định 43/2005 của Chính phủ.
Đây cũng là giai đoạn nhà trường phát triển toàn diện nhất từ trước đến nay cả về cơ sỗ vật chất, quy mô đào tạo, đội ngũ nhà giáo, quan hệ hợp tác và cả chiến lược phát triển, 05 năm liền gần đây nhà trường luôn giữ vững danh hiệu là Trường tiên tiến và tiên tiến xuất sắc. Nhà trường được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2006), nhiều cán bộ, viên chức được tặng Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và hàng chục Bằng khen của một số Bộ, ngành trung ương và của UBND tỉnh Đồng Nai.
Cho đến tháng 1/2008 (trước khi trở thành Cơ sở 2 Trường Đại học Lâm nghiệp), qua 33 khóa học, trường đã đào tạo hơn 10.000 học sinh, học viên có trình độ trung cấp kỹ thuật và nhân viên nghiệp vụ kinh tế hệ chính quy, hệ vừa làm vừa học và hơn 2.000 học viên các lớp sơ cấp và bồi dưỡng khác, cung cấp nguồn nhân lực cho Ngành và các địa phương từ Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng đến Cà Mau, Kiên Giang. Từ năm 2001, nhà trường còn được Bộ giao nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng công chức Kiểm lâm từ thành phố Đà Nẵng trở vào. Hàng năm có từ 200- 300 lượt cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng.
4. Giai đoạn 2008-2011
Ngày 28/01/2008 Bộ trưởng NN và PTNT đã có quyết định số 240/ QĐ-BNN-TCCB về việc thảnh lập Cơ sở hai trường Đại học Lâm nghiệp tại Trảng bom, Đồng nai trên cơ sở sáp nhập trường Trung cấp LN TW 2 vào trường Đại học Lâm nghiệp. Sự kiện này đánh dấu một sự thay đổi lớn đối với hai trường, vốn trước đây là độc lập, cách xa nhau hai ngàn cây số về mặt địa lý.
Ngày 20/2/2008 Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp đã ra Quyết định bổ nhiệm và giao nhiệm vụ cho PGS.TS Trần Văn Chứ - Phó Hiệu trưởng kiêm Giám đốc Cơ sở 2 và bổ nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Cơ sở 2 cho: KS. Phạm Bá Hanh, KS. Đinh Ngọc Hùng, Ths. Vũ Thu Hương
5. Giai đoạn 2011-2013:
Ngày 15/4/2011 Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp đã ra Quyết định số 367/QĐ-ĐHLN-TCCB bổ nhiệm và giao nhiệm vụ cho TS Nguyễn Quang Hà - Phó Hiệu trưởng kiêm Giám đốc Cơ sở 2.
Cơ sở 2 có: 191 cán bộ viên chức và lao động, trong đó 107 là giảng viên, 27 giáo viên trung cấp, trình độ của đội ngũ giảng viên đại học là: tiến sỹ: 03 (xấp xỉ 3%); thạc sỹ: 58 (54%)
Quy mô học sinh sinh viên là xấp xỉ 4800: trong đó sinh viên đại học và cao đẳng: xấp xỉ 3700 thuộc 7 ngành đào tạo đại học và 5 ngành đào tạo cao đẳng. Trung cấp chuyên nghiệp xấp xỉ 820, thuộc 5 ngành đào tạo. Số lượng học viên cao học là 300 học viên thuộc 5 ngành.
NCKH: thực hiện 35 đề tài từ cấp trường, cấp Bộ, tỉnh, trong đó có 02 đề tài cấp Bộ, 01 đề tài cấp tỉnh, ngoài ra còn hơn 100 đề tài cấp Ban, Bộ môn.
Cơ sở vật chất: diện tích giảng đường, phòng thí nghiệm, máy móc thiết bị, sách thư viên được cải thiện một bước với tổng kinh phí đầu tư hàng năm trên 3 tỷ đồng/năm trong những năm này, tuy chưa có những thay đổi đáng kể về tổng diện tích xây dựng, nhưng đã đảm bảo được những yêu cầu tối thiểu cần thiết về trang thiết bị cho giảng đường, phòng thí nghiệm, thư viện, ký túc xá.
Tổng các nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên năm 2012: xấp xỉ 33 tỷ đồng, trong đó thu sự nghiệp và SXKD – tức là phần được gọi là tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp: chiếm trên 50% (một tỷ lệ còn cao hơn CS chính); Đời sống cán bộ viên chức được cải thiện một bước đáng kể với thu nhập bình quân: 43,2 triệu đồng/ người/năm.
6. Giai đoạn 2013 – 2014
Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp đã ra Quyết định bổ nhiệm và giao nhiệm vụ cho Ông Phạm Bá Hanh - Phó Giám đốc phụ trách Cơ sở 2.
7. Giai đoạn 2013 đến nay:
Tháng 10/2014 Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp đã ra Quyết định bổ nhiệm và giao nhiệm vụ cho PGS.TS Trần Quang Bảo - Phó Hiệu trưởng kiêm Giám đốc Cơ sở 2.
Ngày 05/10/2016 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Quyết định số 4213/QĐ-BGDĐT về việc thành lập Phân hiệu Trường Đại học Lâm nghiệp tại tỉnh Đồng Nai.
Sau hơn 15 năm thành lập, Phân hiệu Trường Đại học Lâm nghiệp tại tỉnh Đồng Nai hiện có 07 Khoa chuyên môn; 08 Phòng, ban chức năng, 05 Trung tâm trực thuộc. Với đội ngũ cán bộ viên chức trên 200 người trong đó có 142 giảng viên gồm: 03 Phó giáo sư, 25 Tiến sĩ, tỷ lệ giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên chiếm trên 90%. Đội ngũ giảng viên ngày cành tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng, năng động, sáng tạo. có đủ trình độ ngoại ngữ và tin học đáp ứng công tác đào tạo trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế và khu vực..
Lịch sử phát triển Phân hiệu Trường Đại học Lâm nghiệp
- Banner được lưu thành công.
- Chuyên mục: GIỚI THIỆU
- Lượt xem: 19775