Chiều 18-12-2014, Bộ GD&ĐT họp báo công bố dự thảo quy chế kì thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH-CĐ 2015 có nhiều điểm mới, kỳ vọng sẽ giảm tốn kém cho xã hội và tăng cơ hội cho thí sinh. Dự kiến sau 45 ngày kể từ khi công bố lấy ý kiến xã hội đóng góp, Bộ sẽ công bố Quy chế chính thức để các trường, thí sinh biết và thực hiện.

Dự thảo quy chế kỳ thi THPT quốc gia có 57 điều. Kỳ thi dự kiến được tổ chức vào các ngày 1, 2, 3, 4 tháng 7-2015, gồm 8 môn thi là Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ.

Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 4 môn, gồm 3 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong các môn thi. Thí sinh không được học môn ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng, được chọn môn thi thay thế trong số các môn tự chọn.

Thí sinh đủ điều kiện dự thi, không có bài thi nào từ 2,0 điểm trở xuống được xét công nhận tốt nghiệp và được cấp chung một loại Bằng tốt nghiệp THPT. Với thí sinh đã tốt nghiệp THPT, dự thi chỉ để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, đăng ký môn thi theo quy định của trường ĐH, CĐ đối với ngành đào tạo mà thí sinh có nguyện vọng.

Cụm thi có nhiệm vụ tổ chức thi cho thí sinh của ít nhất 2 tỉnh (cụm thi liên tỉnh). Việc tổ chức thi ở cụm thi liên tỉnh hoặc cụm thi tỉnh thì đều diễn ra cùng một quy chế, cùng một quy trình kỹ thuật dưới sự chủ trì của các trường ĐH, CĐ trong các khâu, đặc biệt là khâu coi thi, chấm thi. Có sự phối hợp của Sở GD&ĐT để đảm bảo kỳ thi an toàn, độ tin cậy cao trong tất cả các cụm thi khác nhau. Tham gia coi thi, chấm thi là giảng viên các trường ĐH, CĐ và giáo viên THPT.

Giấy chứng nhận kết quả thi ĐH có mã vạch

Dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ có 25 điều với nhiều điểm mới. Đó là khi có kết quả thi THPT, thí sinh mới đăng ký tuyển sinh vào các ngành của các trường ĐH, CĐ. Các trường này có thể mở rộng tổ hợp các môn thi khác khối truyền thống tạo điều kiện cho thí sinh có thêm lựa chọn đăng ký xét tuyển, nhưng phải dành ít nhất 75% chỉ tiêu tuyển sinh để tuyển cho các khối truyền thống, còn 25% chỉ tiêu dành cho các tổ hợp môn thi mới, các khối thi mới.

Việc chấm điểm các môn thi sẽ được mở rộng từ thang điểm 10 sang thang điểm 20 giúp phân hóa chi tiết hơn kết quả thi của thí sinh. Bộ GD&ĐT sẽ căn cứ kết quả thi của thí sinh trên toàn quốc, xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển.

Mỗi thí sinh được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi có mã vạch nhận dạng từng đợt xét tuyển và đóng dấu của trường ĐH chủ trì cụm thi. Thí sinh dùng các giấy chứng nhận kết quả thi này để đăng ký xét tuyển tối đa 4 đợt (mỗi đợt 20 ngày).

Liên quan tới giấy chứng nhận kết quả thi của thí sinh có sử dụng mã vạch, việc thí sinh có được thay đổi cụm thi, có được đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ nếu dự thi tại cụm thi địa phương, Bộ cho biết, các thí sinh có 4 giấy báo điểm mã vạch phù hợp với từng đợt xét tuyển của các trường sẽ không gây khó khăn, hoặc làm mất cơ hội của thí sinh. Các thí sinh ở địa phương nào phải dự thi ở cụm thi quốc gia theo quy định. Thang điểm 20 của kỳ thi THPT không ảnh hưởng đến xét tuyển sinh CĐ, ĐH 2015.

Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục, những thí sinh dự thi ở cụm thi do địa phương tổ chức để xét tốt nghiệp cũng vẫn có cơ hội đăng ký tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ có đề án tuyển sinh riêng xét tuyển học bạ và điểm thi tốt nghiệp.

Thí sinh tham khảo chi tiết quy chế theo file đính kèm